Hướng dẫn thực hiện tiêu chí Thông tin và Truyền thông trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Thứ năm - 10/08/2017 14:17
Hướng dẫn thực hiện tiêu chí Thông tin và Truyền thông trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Ngày 10/8/2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-STTTT Hướng dẫn thực hiện và phương pháp đánh giá tiêu chí “Thông tin và Truyền thông” trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2017 - 2020 (QĐ 94/QĐ-STTTT.rar)

Đưa tiêu chí Xã có đài truyền thanh vào tiêu chí số 8 (ảnh Internet)

Theo đó, xã đạt tiêu chí nông thôn mới về thông tin và truyền thông giai đoạn 2016-2020 là xã đáp ứng 04 điều kiện: Có điểm phục vụ bưu chính; có dịch vụ viễn thông, internet; có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn; có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.

          Về điều kiện đạt đối với xã có điểm phục vụ bưu chính là có: Nhà làm việc thoáng mát được sơn màu vàng theo nhận diện thương hiệu bưu điện Việt Nam, sân có mái che, có ghế đá, khuôn viên có bồn hoa, cây xanh, công trình vệ sinh, tường rào xây, cổng sắt, có vị trí thuận tiện cho việc cung ứng và sử dụng các dịch vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông. Diện tích điểm và sân tối thiểu 150m2. Có máy tính kết nối Internet ; Có cân điện tử hoặc cân cơ học; Thùng thư trong nước và quốc tế; Bàn ghế phục vụ nghiên cứu, đọc sách báo; Có tủ đựng sách báo (có các đầu sách, báo), tủ đựng tài liệu và quầy giao dịch; Có biển vẫy và biển tên điểm phục vụ; Niêm yết giờ mở cửa phục vụ, nội quy hoạt động và các thông tin về dịch vụ bưu chính cung ứng tại điểm phục vụ. Cung ứng dịch vụ thư cơ bản trong nước, dịch vụ thư cơ bản quốc tế từ Việt Nam đi các nước và dịch vụ thư cơ bản quốc tế từ các nước đến Việt Nam; chuyển phát tiền gửi trong và ngoài nước; dịch vụ phát hành báo chí công ích (báo Hà Tĩnh, báo Nhân Dân). Thời gian phục vụ tối thiểu là 04 giờ/ngày làm việc; Tần suất thu gom bưu gửi tối thiểu thu gom 01 lần/ngày làm việc; Tần suất phát bưu gửi tối thiểu phát là 01 lần/ngày làm việc.

Về điều kiện đạt đối với xã có dịch vụ viễn thông, Internet: Tất cả các thôn trên địa bàn xã có thể sử dụng dịch vụ điện thoại di động và dịch vụ truy nhập Internet đáp ứng theo tiêu chuẩn đề ra nêu tại mục 2 điều 5 quyết định này hoặc có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ điện thoại cố định mặt đất, Internet cố định. Các tuyến cáp viễn thông ở các trục đường huyện lộ, liên xã, liên thôn phải được bó gọn, đảm bảo mỹ quan, đảm bảo an toàn mạng lưới và hành lang lưới điện.

Về điều kiện đạt đối với xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn:

Cơ sở hạ tầng: Có hệ thống Trạm truyền thanh xã hoạt động ổn định. 100% số thôn có hệ thống loa truyền thanh kết nối với Đài truyền thanh xã đang sử dụng tốt. >95% hộ gia đình trong thôn nghe được loa truyền thanh xã đặt tại thôn.

Hoạt động Trạm truyền thanh cơ sở: Đài truyền thanh xã có Ban Biên tập và hoạt động theo đúng quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 26/11/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Có bố trí cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã phụ trách trạm truyền thanh cơ sở theo quy định tại Quyết định 02/2016/QĐ-UBND ngày 15/01/2016 của UBND tỉnh về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/04/2013 của Chính phủ. Tuyên truyền đầy đủ các nội dung theo đúng chỉ đạo từ các cơ quan có thẩm quyền và chương trình phát thanh được Trưởng Ban Biên tập Trạm Truyền thanh cơ sở phê duyệt. Cập nhật đầy đủ nhật ký truyền thanh cơ sở điện tử. Đối với hệ thống truyền thanh sử dụng hệ thống vô tuyến (không dây) phải có giấy phép tần số vô tuyến điện và đang hoạt động đúng tần số đã được cấp phép.

Về điều kiện đạt đối với xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành:

Về cơ sở vật chất: Các cơ quan Đảng ủy,  HĐND, UBND có máy vi tính phục vụ công tác, đồng thời được kết nối mạng LAN, mạng Internet. Tối thiểu có 80% cán bộ, công chức xã có máy vi tính phục vụ hoạt động chuyên môn.

Về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành: Trên 80% cán bộ, công chức xã biết sử dụng máy tính phục vụ hoạt động chuyên môn. Đảng ủy, HĐND, UBND xã sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ, văn bản và điều hành tác nghiệp; thực hiện nhận/gửi văn bản chỉ đạo, điều hành qua mạng Internet. 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản và được đào tạo để sử dụng phần mềm điều hành tác nghiệp phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. UBND xã sử dụng ít nhất ba phần mềm hỗ trợ hoạt động quản lý nghiệp vụ trong số các phần mềm nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực sau: Tài chính; Tư pháp hộ tịch; Địa chính; Đối tượng chính sách-người có công; Bảo hiểm y tế-Bảo hiểm xã hội; Xây dựng; Thông tin - Truyền thông, Văn hóa. Xã có trang thông tin điện tử đáp ứng các yêu cầu theo Công văn hướng dẫn số 180/STTTT-CNTT ngày 29/03/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.

Quyết định cũng nêu rõ phương pháp đánh giá, phân công tổ chức thực hiện giữa các doanh nghiệp, địa phương liên quan.

Mạnh Hùng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay605
  • Tháng hiện tại15,413
  • Tổng lượt truy cập2,426,119
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây